Không có tập tục cúng giỗ hằng năm để tưởng nhớ người quá cố trong thân tộc như người Kinh, việc báo hiếu tổ tiên được người Khmer ĐBSCL tập trung trong ba ngày 29-8 đến mùng 1-9 Âm lịch (nếu tháng thiếu thì từ 29-8 đến mùng 2-9 Âm lịch) gọi là Sen Dolta. Ba ngày này mang ý nghĩa khác nhau: ngày thứ nhất nghênh tiếp, ngày thứ hai lưu giữ và ngày thứ ba đưa tiễn ông bà, được tổ chức linh đình với việc tế lễ, tụng kinh cầu siêu, cầu phước. Trong không khí ấy, người ta thức trắng đêm thưởng thức dàn nhạc ngũ âm biểu diễn, hoặc hào hứng uốn mình trong điệu múa lăm-vông đầy ấn tượng. Nhưng đặc biệt nhất của Sen Dolta là từ năm 1990 tại Bảy Núi (An Giang), mỗi năm đều được luân phiên tổ chức lễ hội đua bò (được công nhận cấp quốc gia từ vài năm nay) hoặc ở chùa Thamit (Vĩnh Trung, Tịnh Biên) hoặc ở chùa Tà Miệt (Lương Phi, Tri Tôn).
Lễ hội đua bò Bảy Núi vừa được tổ chức tại Tà Miệt (Lương, Phi, Tri Tôn) từ 7 giờ sáng cho đến 16 giờ chiều. Trường đua là một thửa ruộng hình chữ nhật, dài 160m, ngang 60m, xung quanh có cây xanh tạo bóng mát cho người xem. Đoạn đường đua dài 120m, còn lại hai đầu 40m là khoảng cách an toàn cho bò xuất phát và dừng lại đến điểm đích 20m. Cặp bên là thửa ruộng nhỏ hơn để làm nơi rộng bò trước khi vào cuộc đua. Với những chiếc lục lạc vàng sáng, với chiếc ách sơn phết đẹp mắt, với cặp sừng nhỏ nhắn “khoác” áo bông sặc sỡ, các đôi bò được bắt cặp chờ vào vòng đua. Sau hai vòng “hô” làm nóng, tới điểm phất cờ là cặp bò đua (con trước, con sau chứ không chạy song song) bước vào vòng “thả”. Đoạn “thả” quyết định phân thắng bại chừng hơn trăm mét, nếu đôi trước bị đôi sau đạp lên bừa hay qua mặt là đôi sau thắng. Cuộc đua cứ vậy, hết đôi này đến đôi khác, đạp tung nước, đuổi nhau trong màn mưa, trong tiếng reo hò cổ vũ cuồng nhiệt của khán giả càng về chiều càng thêm đông. Có người cho rằng vòng “thả” (đua nước rút, có khi bò chạy đến 80 – 90km/giờ) coi đã mắt, cứ như xem đua xe ngựa ở các bộ phim La Mã; còn hai vòng “hô” thì nản quá vì bò chạy cà rề! Nhưng theo những người sành điệu, hấp dẫn nhất của đua bò lại chính ở hai vòng “hô”. Tuy các đôi bò chạy chậm nhưng đó là lúc thể hiện tài năng của “tài xế” (người điều khiển đôi bò). “Tài xế” nào “cứng cựa” điều khiển cho đôi bò của mình làm đôi bò đối thủ hoảng loạn chạy “tạt” ra ngoài vòng đua sẽ đoạt vé vào vòng trong. Và người “tài xế” nào thắng cuộc được mọi người tán tụng, xem như vị anh hùng cầm vàm bò “can đảm” nhất vùng.
Là môn thể thao hấp dẫn có một không hai trên đất Việt, nên lễ hội đua bò Bảy Núi càng ngày càng thu hút thêm nhiều khách, ngoài khách khu vực ĐBSCL, còn có khách từ TPHCM và các tỉnh miền Đông về tham dự, hơn 20.000 ngàn người mỗi năm.
Bài: PHƯƠNG KIỀU (Phù Sa Lộc) - Ảnh: Trương Công Khả
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét