Thứ Tư, 31 tháng 10, 2007

Ký sự du lịch: MÙA SAU

Huỳnh Kim

Người hướng dẫn viên du lịch Trung Hoa nói tiếng Việt sành sỏi: “Dù Trung Quốc đã gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới, nhưng dịp này chúng tôi mong quí vị du khách hãy quên chuyện đời nay mà nhớ chuyện đời xưa. Vì chuyến này chúng ta sẽ thăm Vạn lý trường thành và Thập tam lăng cách Bắc Kinh trong vòng 50 dặm. Sau đó lại quay về Bắc Kinh thăm Di Hòa Viên. Rồi quí vị muốn hiểu người Trung Quốc hôm nay ra sao thì tùy hỉ”…

1.

Anh ta nói tiếp trên chuyến xe rời Bắc Kinh lên phương Bắc: “Dẫu là dã sử hay là chính sử thì chuyện nàng Mạnh Hương và Tần Thủy Hoàng Đế cũng là câu chuyện mà người Trung Quốc muốn kể cùng du khách”.

Hơn hai ngàn năm trước, nàng Mạnh Hương xinh đẹp tuyệt trần, cùng bao người vợ quê khác, đã tiễn chồng ra đi xây dựng Vạn lý trường thành. Rồi một ngày kia, nàng được tin chồng đã bỏ thây nơi rừng núi trường thành. Thương nhớ chồng khôn xiết, Mạnh Hương khóc suốt ba ngày ba đêm. Và không hiểu làm sao, những đêm đẫm lệ của nàng đã làm bức tường thành nơi ấy đổ sụp.

Tần Thủy Hoàng biết chuyện, đòi chém Mạnh Hương. Nhưng khi gặp nàng, vị đế vương bỗng đem lòng yêu say đắm, đòi triệu nàng về cung. Mạnh Hương là người đẹp thông minh, nàng nghĩ kế đòi Tần Thủy Hoàng cho làm tang lễ chồng ba ngày ba đêm thì nàng mới về cung. Sau ba ngày tang lễ, Mạnh Hương lại xin vua cho nàng được tới Vạn lý trường thành viếng chồng lần cuối. Tần Thủy Hoàng lại chìu nàng lần nữa. Nhưng khi tới nơi người chồng yêu dấu bỏ mình, nàng Mạnh Hương xinh đẹp và thủy chung đã gieo mình tự vẫn.

Trong cái lạnh không độ, ngẩng nhìn trời xanh trên đỉnh núi Yến Sương, tôi cùng bao khách hành hương đến từ khắp nơi trên trái đất, bắt đầu lặng lẽ bước lên từng bậc đá ngàn xưa mà ngẫm nghĩ tới người nay. Chẳng có ai leo nổi 5.700 km dãy trường thành hiểm trở vắt ngang đỉnh trời phương Bắc Trung Hoa. Cũng không có mấy người leo hết 1.480 bậc đá nơi cổng Cư Dung Quan này. Có những bậc đá đã mòn dấu chân người cỡ nửa gang tay. Phải chăng cái ý chí chinh phục đất trời và lòng người theo kiểu cường quyền, rồi cũng phôi pha như vậy?

Nhớ chuyện nàng Mạnh Hương, mới hay, đã sanh ra trong vòm trời này, làm kiếp người trong cõi nhân gian này, thì lòng nhân nghĩa và tình yêu, bao giờ cũng là điều bất tử. Dù cho, triều đại có đổi thay, chính thể có đổi thay, nhưng muôn thuở, tình yêu và lòng nhân nghĩa vẫn không bao giờ thay đổi.

2.

Cách Vạn lý trường thành không xa, dưới chân dãy Yến Sương, là vùng lăng tẩm rộng 40 cây số vuông của 13 triều đại vua nhà Minh, có tên Thập tam lăng.

Trong Thập tam lăng, tới giờ, người ta mới chỉ khai quật được ngôi mộ của vua Vạn Lịch, vua nhà Minh thứ 13, mà nay du khách gọi là khu Định Lăng. 12 vị vua kia, dù đã biết rõ địa điểm chập chùng trong núi Yên Sương, nhưng vẫn chưa ai tìm được lối vào đích xác của từng hầm mộ để mà khai quật.

Hầm mộ vua Vạn Lịch được xây từ 425 năm trước, khi vua đang trị vì ở tuổi 21, năm 1590 thì xây xong. 30 năm sau, khi nhà vua băng hà, mới được an táng vào đây và xóa sạch mọi dấu vết khu hầm mộ. Mãi tới năm 1956, các nhà khảo cổ Trung Quốc mới tìm được đường vào và khai quật mộ. Quần thể khu Định Lăng giờ được bảo tồn hoành tráng và kỳ vĩ giữa những cánh rừng tùng bách đại ngàn. Riêng hầm mộ, ở cách mặt đất 27m, với đầy đủ thành quách cùng những lối đi bí mật và tất cả đều được xây bằng đá.

Theo lối vào đầy bóng tối, lòng lữ khách cứ trầm tư trước nơi yên nghỉ đầy quyền năng của vua chúa ngày xưa. Quan tài của vua Vạn Lịch cùng quan tài hai hoàng hậu vẫn đang nằm trên nền đá, tựa vào vách đá, lạnh lẽo bên 26 hòm chứa bao trân châu vàng bạc chôn theo.

Chợt tự hỏi lòng: cũng là biểu hiện của khát vọng được tồn tại vĩnh cửu, nhưng sao dưới lòng đất kia, con người ta lại âm thầm cô quạnh đến thế, còn trên mặt đất này, những thân tùng bách xa xưa vẫn xanh um dạt dào sinh nở cùng với đất trời này?

Leo lên Vạn lý trường thành đối diện với trời xanh, rồi lại bước xuống dưới cõi âm u mặt đất đi tìm thế giới người xưa trong dòng thời gian hơn hai ngàn năm lẻ, tôi cứ nghĩ tới một điều: phải chăng, cái quí nhất là được sinh ra làm một kiếp người – một kiếp người biết yêu thương nhau và tránh xa thù hận.

3.

Mới chớm đông mà có đêm Bắc Kinh đã âm ba độ. Ấn tượng nhất trong lòng du khách phương Nam, lại là những hàng cây mùa đông rụng lá đẹp lạ kỳ ở hai bên những con đường thành phố. Bắc Kinh có ba loài cây xanh rất riêng. Cây bạch dương tượng trưng cho người đàn ông, cây liễu tượng trưng cho người đàn bà và cây ngân hạnh tượng trưng cho hạnh phúc của hai người nam và nữ. Lạ là cây ngân hạnh luôn sống có đôi, nếu một trong hai cây đực hoặc cái chết đi thì cây kia sớm muộn cũng chết theo, mặc dù không chung gốc.

Ta cố tìm một chiếc lá ngân hạnh nhưng không thể vì cây chỉ còn những cành trơ, đan tay nhau dệt nên mùa đông hạnh phúc. Ta nhặt một chiếc lá bạch dương vừa bay theo ngọn gió đông, nghĩ rằng sẽ theo ta về lại quê nhà vắng bóng bạch dương.

4.

Vào Di Hòa Viên đi tìm Từ Hi Thái Hậu. Di Hòa Viên, công viên hoàng gia rộng nhất thế giới, tới 290 hecta. Di Hòa Viên đã có từ 250 năm trước gồm quần thể kiến trúc nhà nghỉ cung đình và chùa chiền quanh hồ nhân tạo Côn Minh bao phủ núi Kim Sơn. Chủ nhân Di Hòa Viên là Từ Hi Thái Hậu.

Từ Hi Thái Hậu là một trong hai người đàn bà lừng lẫy nhất lịch sử Trung Hoa. Người kia là Võ Tắc Thiên đời Đường. Đó là hai người đàn bà “tự mình làm vua”.

Xưa, nàng là cô gái đẹp Mãn Châu tên Tiểu Lan, sớm mồ côi cha, cùng mẹ và ba em trai lên Bắc Kinh sinh sống. Một ngày kia, Tiểu Lan tròn 16 tuổi và đã được vua Hàm Phong, vua nhà Thanh thứ bảy, tuyển vào cung. Mà câu chuyện hoàn toàn không ngẫu nhiên, bởi vì Tiểu Lan là một người con gái “không chịu thua ai bao giờ” trong cuộc đời này.

Ngày ấy, nàng đã hối lộ vị quan thái giám cận kề nhà vua để được tiếp cận vua. Ngày ấy, vua Hàm Phong đi dạo chơi trong Viên Minh Viên. Giữa đường vua chợt nghe vẳng lên giọng hát du dương. Tìm tới nơi, vua sững sờ trước một thiếu nữ mặc toàn xiêm y màu đỏ đang đứng giữa đầm sen hồng say sưa hát.

Thế là sáng hôm sau, nàng Tiểu Lan đã hóa thành Lan Quí Nhân, ở trong cung vua.

Lan Quí Nhân và Hàm Phong sanh được người con trai. Khi Hàm Phong qua đời, người này mới lên sáu tuổi và được phong làm vua, hiệu Đồng Trị. Kể từ đó, Tiểu Lan – Lan Quí Nhân trở thành Từ Hi Thái Hậu.

Do vua Đồng Trị còn nhỏ, Từ Hi Thái Hậu quyết thay vua nhiếp chính. Bà đã giết tám vị đại thần chống lại ý mình để thực hiện quyền hành. Mỗi khi vua thiết triều, Từ Hi Thái Hậu luôn ngồi bên bức rèm sau lưng vua để ra quyết định; nhà vua chỉ cần lặp lại lời của mẹ. Đây là chiến thuật “buông rèm nhiếp chính”.

Nhưng mới 19 tuổi, vua Đồng Trị đã mất. Từ Hi Thái Hậu đưa người cháu mới bốn tuổi tên Quang Tự lên kế vị và tiếp tục “buông rèm nhiếp chính”. Nhưng rồi vua Quang Tự thực hiện “bách nhật duy tân” – 100 ngày cải cách, đụng đến quyền hành Từ Hi Thái Hậu. Bà đã giết các đại thần ủng hộ vua và giam lỏng nhà vua trong Di Hòa Viên, tự mình cầm quyền cho tới khi vua Quang Tự mất lúc mới hơn 30 tuổi. Ba năm sau, Từ Hi Thái Hậu cũng qua đời. Nhưng trước khi mất, bà đã đưa Phổ Nghi mới ba tuổi lên ngai vàng. Phổ Nghi là vị hoàng đế cuối cùng của chế độ phong kiến Trung Hoa…

… Lạ là hết thảy những chuyện này cứ hiện lên trong mỗi bước chân lữ khách tìm đến những nơi mà ngày xưa Từ Hi Thái Hậu nghỉ ngơi trong Di Hòa Viên. Mà nơi đâu cũng ẩn hiện cốt cách của người đàn bà đẹp đầy quyền uy này.

Tỉ như chuyện Từ Hi Thái Hậu là người có nhiều bí quyết dưỡng sinh: nàng rất thích uống sữa và chỉ thích uống sữa người và nàng rất thích tắm bằng sữa bò. Hoặc nàng đã có sáng kiến dùng ngọc thạch để làm đồ massage da mặt; dùng ngọc trai nước ngọt nuôi trong hồ Côn Minh cho chế thành biệt dược ngọc trai để uống… Nhờ vậy mà dù chồng chết ở tuổi 27 và có nhiều tình nhân, nhưng tới hơn 60 tuổi, da nàng vẫn đẹp như thuở còn là thiếu nữ Tiểu Lan. Và Từ Hi Thái Hậu đã sống tới tuổi 74.

Hoặc tỉ như chuyện ta bước tới vườn hoa mẫu đơn trong Di Hòa Viên. Mẫu đơn là “quốc hoa” của người Trung Quốc vì nó tượng trưng cho quyền quí, và là loài hoa mà Từ Hi Thái Hậu yêu quí nhất.

Nơi đây, đã từng xảy ra một câu chuyện vô cùng lãng mạn kiểu Từ Hi Thái Hậu – Tiểu Lan.

Sáng hôm ấy, Từ Hi Thái Hậu, sau khi tắm xong, chỉ khoác một tấm áo mỏng manh rồi đi dạo đến vườn hoa mẫu đơn. Theo sau nàng là chàng thái giám Lý Liên Anh, người nghệ sĩ tài hoa mà nàng yêu nhất trên đời. Giữa vườn mẫu đơn rộn ràng hương sắc, chợt một làn gió thổi qua làm bay đi tấm áo khoác mong manh trên người Thái Hậu. Chàng thái giám giật mình nhặt lấy tấm áo, cúi đầu dâng trả chủ nhân. Từ Hi Tiểu Lan cất giọng: “Nhà ngươi đã nhìn thấy gì trong vườn hoa mẫu đơn đang lộng lẫy?”. Lý Liên Anh, không một phút chần chừ suy nghĩ, đã tâu: “Thưa Thái Hậu, thần vừa nhìn thấy một đóa mẫu đơn màu đen đẹp nhất trong vườn mẫu đơn đầy hương sắc sáng nay”.

Ai cũng biết, hoa mẫu đơn làm gì có màu đen. Nhưng đó là một câu trả lời thông minh và nghệ sĩ của một người mà Từ Hi Thái Hậu yêu quí nhất. Nên không có luật lệ nào của triều đình Mãn Thanh buộc Từ Hi phải xử tội chém đầu với vị quan thái giám Lý Liên Anh. Bởi giả như Lý Liên Anh tâu “không thấy gì” hoặc nói rõ đã thấy gì, đều mang tội “khi quân”, phải bị chém đầu.

Tình yêu và uy quyền, một lần nữa, đã chiến thắng giữa cõi đời này.

5.

Hàng bạch dương trước khách sạn Hòa Bình Lý giữa nội ô Bắc Kinh, chiều nay sau khi ta ghé thăm nàng Tiểu Lan trở về, hàng bạch dương mạnh mẽ ấy đã trút hết lá để đón mùa đông. Nhìn những thân bạch dương cường tráng vươn lên bầu trời đông phương Bắc trong chiều hoàng hôn đang xuống, ta, người lữ khách phương Nam, đã tìm thấy một sức mạnh mới cho những mùa sau.

Rồi mùa đông này sẽ giá buốt hơn. Nhưng mùa đông ấy sẽ trôi qua. Mùa xuân sẽ tới. Ta là thân bạch dương vươn mình trong nắng mới. Là sức mạnh và tình yêu suốt bốn mùa Xuân Hạ Thu Đông.


_

Thứ Ba, 30 tháng 10, 2007

Danh Ngôn Kinh Doanh

Ông Trần Chí Gia, tổng giám đốc Công ty cổ phần May Meko (MekoGarment), còn là một nhà giáo nổi tiếng trong cộng đồng người Hoa tại Cần Thơ. Trong số những quà tặng ông nhận được, Danh Ngôn Kinh Doanh của Liễu Phố Trần Văn Siêu là bài viết ông tâm đắc mang về từ Trung Quốc rồi tự dịch sang tiếng Việt và Anh.

  • Khó khăn trong công việc chính là không đủ năng lực. Rắc rối trong công việc chính là thiếu khả năng.
  • Bí quyết của sự thành công là hằng ngày cố gắng hơn người khác một chút.
  • Hãy vì mục đích lý tưởng mà tìm ra phương pháp, đừng tìm cách biện minhcho sai lầm của mình.
  • Tình hình kinh doanh khó khăn sẽ đào thải những kẻ hằng ngày thiếu tích cực trong công tác.
  • Hoàn cảnh thuận lợi luôn chứa đựng những yếu tố nguy hiểm.Hoàn cảnh khó khăn luôn giúp ta vững vàng hơn.
  • Cái gọi là không có biện pháp, chính là chưa nghĩ ra được biện pháp mới.
  • Thất bại là cái giá phải trả cho sự thành công.
  • Người chịu đựng được cực khổ không bao giờ bị thiệt thòi.
  • Không nên ép ngựa uống nước mà nên để nó khát nước.
  • Có khó khăn điều đó chứng tỏ bạn còn tồn tại.
  • Trên thế giới, có một nơi chưa được khai thác, đó chính là khối óc của bạn.
  • Nơi nào không có cạnh tranh, nơi đó không có thị trường.
  • Lúc đối mặt với sự lựa chọn, phải quyết đoán chứ không được do dự, như dũng sĩ dám chặt bỏ cánh tay của mình.
  • Tiền tài do cần cù mà có, giàu sang do tiết kiệm mà được, bước thêm một bước nữa khi đã vững vàng rồi.

Theo yêu cầu của ông Trần Chí Gia, METINFO đã thiết kế mỹ thuật Danh Ngôn Kinh Doanh này để MekoGarment tặng cho khách hàng khi sang Trung Quốc và Nhật. Sau đó được phép của ông, METINFO đã nhiều lần đưa ra như một loại quà tặng dành cho doanh nhân, doanh nghiệp trong thành phố Cần Thơ tặng nhau.

Không chỉ là một món quà mỹ thuật, nội dung của danh ngôn phần nào đó đã cô đọng triết lý kinh doanh và quản trị hàng ngàn năm của người Hoa. Dễ nhớ, dễ hiểu.

Phần chữ Hán là thủ bút của Liễu Phố Trần Văn Siêu.

Vật liệu thể hiện: in kỹ thuật số trên lụa treo bằng nẹp gỗ hoặc in trên giấy nhựa PP rồi ép màng chống ẩm trên nền gỗ. Kích thước 50cm x 115cm.


_

Thứ Hai, 29 tháng 10, 2007

Vác tù và cũng phải đóng thuế?

Hiện nay trong cả nước có 301 hội/hiệp hội hoạt động trên phạm vi quốc gia và 2.155 hội/hiệp hội hoạt động trong phạm vi địa phương. Các tổ chức hội/hiệp hội được thành lập theo Nghị định 88 của Chính phủ và Thông tư 01 của Bộ Nội Vụ. Một số hội được thành lập theo chỉ thị, quyết định của các cơ quan quản lý nhà nước. Một số hội khác ra đời do nhu cầu của doanh nghiệp, nhóm ngành nghề. Xét về yêu cầu phát triển, cả nhà nước và doanh nghiệp đều cần có hội/hiệp hội – tổ chức xã hội-nghể nghiệp. Trong thời kỳ hội nhập, vai trò của hội/hiệp hội ngày càng cần thiết, nhất là thời kỳ hậu WTO, do đó, nhà nước tích cực cải cách chính sách và luật pháp cho phù hợp với những thông lệ, cam kết đã thỏa thuận. Việc gì nhà nước không “bao cấp” được nữa thì giao lại cho hội/hiệp hội để các tổ chức này thực hiện nhiệm vụ trợ giúp doanh nghiệp. Vì thế, gần đây nhà nước đã chủ trương, tạo hành lang pháp lý khuyến khích việc thành lập hội/hiệp hội.

Hội thành lập không khó, quản lý cũng không khó, nhưng làm thế nào để hội tồn tại và phát huy được hiệu quả thì lại là một việc rất khó. Thảo luận về việc này đã có rất nhiều ý kiến về năng lực của các hội và của những người đang quản lý điều hành. Bài viết này không bàn đến điều đó. Vấn đề muốn đề cập ở đây là điều kiện pháp lý nào để hội/hiệp hội có thể “sống”, hoạt động tốt và phát triển. Nói cách khác, chúng tôi muốn bàn về câu hỏi: Hội/hiệp hội đứng đâu trong luật Việt Nam?

Để tổ chức bộ máy (tức nguồn nhân lực) và cơ sở vững vàng để hội/hiệp hội hoạt động đúng như bản chất của nó, điều kiện tiên quyết là kinh phí hoạt động. Không có kinh phí, hội/hiệp hội chỉ có thể “múa tay trong bị” và sẽ mai một dần dần. Đối với các hội/hiệp hội thành lập do ý chí của nhà nước, thì được cấp một khoản ngân sách nào đó cho những năm đầu tiên khi chưa tạo được nguồn thu. Đa phần các hội doanh nghiệp ở các tỉnh đều nằm trong dạng này. Nhưng cái khó cũng xuất phát từ đây. Khi còn ngân sách nhà nước thì hội/hiệp hội thực hiện được một số hoạt động nào đó. Đến khi hết nguồn “sữa mẹ” thì bắt đầu lúng túng, loay hoay và sống dở, chết dở ! Rơi vào tình trạng này, chính “bà đỡ” cũng lúng túng, vì không thể “đỡ” hoài được…

Hội/hiệp hội phải tự lập, tự tạo ra nguồn kinh phí để hoạt động, đó là điều cốt tử, không thể chối cãi được. Nhưng cũng từ đây, những hội đã tự tạo được nguồn kinh phí để hoạt động thì lại gặp trở ngại từ chính nguồn thu do mình tạo ra. Thông thường, nguồn thu của các hội/hiệp hội đến từ hội phí, và các hoạt động phục vụ hội viên như đào tạo, tư vấn, cung cấp thông tin... Những hoạt động này, theo Luật thuế được gọi là “dịch vụ”: “dịch vụ” tư vấn, “dịch vụ” đào tạo, “dịch vụ” cung cấp thông tin. Và đã là “dịch vụ” thì phải nộp thuế theo Luật Thuế Thu nhập Doanh nghiệp (TNDN) và trên mẫu biểu Tờ khai thuế hàng tháng, ở mục “Tên cơ sở kinh doanh” được điền tên Hội ABC gì đó (?). Lúc này, hội được coi như cơ sở kinh doanh (!) Nhưng nếu là cơ sở kinh doanh, theo lẽ công bằng, hội/hiệp hội phải được đối xử như doanh nghiệp và phải được miễn trừ thuế hai năm đầu mới thành lập. Tuy nhiên, khi trình bày yêu cầu này với cơ quan thuế, thì được trả lời: Hội có phải là doanh nghiệp đâu mà được miễn giảm thuế!

Hiệp hội Doanh nghiệp Thành phố Cần Thơ sau nhiều lần gửi công văn đề nghị tới, lui cũng đành phải “theo” cách giải quyết của Cục Thuế Cần Thơ: Không được ưu đãi, miễn giảm thuế, vậy thì phải nộp thuế với “dịch vụ” làm ra tiền như đào tạo… Nhưng sau hai năm thực hiện các hoạt động đào tạo, quyết toán của dịch vụ đào tạo này là con số âm và do không có lợi nhuận nên không phải nộp thuế. Tưởng vậy là xong, không ngờ Cục Thuế Cần Thơ “quay qua” thu thuế đối với các khoản khác. Họ hướng dẫn: Các khoản thu từ tài trợ, hội phí được gọi là thu khác, và Hiệp hội phải nộp thuế TNDN cho phần thu khác này!

Cục Thuế bằng mọi cách phải “tận thu” nên đã vận dụng tất cả các văn bản luật hợp với “mục tiêu đó” để giải thích, trong khi theo nội dung các văn bản luật này, tư cách pháp lý của hội/hiệp hội và những quy định về tổ chức này lại quá mơ hồ !

Trong hệ thống pháp luật hiện hành, hội/hiệp hội doanh nghiệp hoặc ngành nghề được gọi tên là Tổ chức xã hội - nghề nghiệp. Tất cả các hoạt động như đào tạo và tư vấn được “đặt” một cái tên chung là “dịch vụ”. Tổ chức xã hội - nghề nghiệp không thành lập theo Luật Doanh nghiệp, nhưng khi “quản lý nó”, ngành thuế lại vận dụng thu thuế theo Luật Thuế TNDN như là một doanh nghiệp. Vấn đề đặt ra là, nếu hội/hiệp hội “được coi như” là doanh nghiệp để quản lý và thu thuế đối với các hoạt động có thu (dịch vụ), thì tại sao, ngành thuế lại không vận dụng những điều khoản chính sách ưu đãi dành cho loại hình “doanh nghiệp hội/hiệp hội” (?)

Trên thực tế, hoạt động có thu của hội/hiệp hội mang tính chất hoàn toàn khác hẳn so với dịch vụ của doanh nghiệp. Khi tổ chức một hoạt động có thu, mục đích chính và duy nhất của hội/hiệp hội là để hỗ trợ hội viên. Việc thu phí qua hoạt động đó chỉ đơn thuần là để bù chi và nó hoàn toàn khác với việc tạo ra lợi nhuận của doanh nghiệp từ các hoạt động dịch vụ, sản xuất, kinh doanh. Thêm nữa, nếu hoạt động này có mang lại một ít số dư hay lợi nhuận nào đó thì cũng chỉ nhắm tới mục tiêu tạo ra kinh phí, đảm bảo cho hội/hiệp hội tiếp tục duy trì hoạt động phục vụ hội viên tốt hơn. Số dư (nếu có) này tuyệt đối không phải để chia lãi cho các thành viên ban chấp hành hay hội viên như hạch toán của doanh nghiệp mà mục đích duy nhất, tối cao và cuối cùng của nó là nhằm bảo đảm sự tồn tại, phát triển của tổ chức. Thực tế đã minh chứng, không có một nguồn kinh phí ổn định thì hội/hiệp hội không thể hoạt động. Kinh phí càng dồi dào thì điều kiện để phục vụ hội viên doanh nghiệp càng lớn hơn. Có lẽ nào Hiệp hội Doanh nghiệp Thành phố Cần Thơ nên làm theo lời khuyên của cán bộ Cục Thuế: Cứ xài trong năm cho hết đi thì khỏi đóng thuế !?

Trong một cuộc hội thảo chia sẻ kinh nghiệm giữa các hội/hiệp hội vùng ĐBSCL tổ chức tại Cần Thơ trong tháng 9 vừa qua có sự tham gia của đại diện AmChamPhòng Công nghiệp Thương mại Đức tại VN, các đại biểu từ hội/hiệp hội các tỉnh Cần Thơ, Vĩnh Long, Kiên Giang, Tiền Giang đã được nghe lời khuyên của đại diện AmCham: Để có kinh phí hoạt động, các hội hãy vận động cơ quan Thuế giảm thuế cho doanh nghiệp tham gia hội/hiệp hội, số tiền thuế được giảm sẽ sử dụng nộp hội phí cho hội/hiệp hội như ở Mỹ đã làm.

Thiết nghĩ với số lượng hội/hiệp hội trong cả nước như trên và còn sẽ gia tăng trong thời gian tới, Quốc hội cũng cần sớm ban hành luật về hội để tạo cơ sở pháp l‎ý cho tổ chức này hoạt động. Đồng thời, cũng cần nghiên cứu tính chất phi lợi nhuận của tổ chức “xã hội- nghề nghiệp” này để giúp hội có điều kiện tự đứng vững trên đôi chân của mình!

Hội mạnh thì doanh nghiệp hội viên được lợi, nhà nước được lợi!

Nguyễn Mỹ Thuận
Tổng Thư k‎ý
Hiệp hội Doanh nghiệp Thành phố Cần Thơ.

___

Đọc thêm:

Chúng ta còn nhút nhát lắm
Trách nhiệm doanh nhân

Thứ Bảy, 27 tháng 10, 2007

chợ nổi Cái Răng

Huỳnh Kim

Chợ đã nổi từ nửa đêm về sáng
Ta vẫn chìm từ giữa bữa hoàng hôn
Em treo bẹo Cái Răng Ba Láng
Ta thương hồ Vàm Xáng Cần Thơ


Ta giang hồ nửa giấc lơ mơ
Sóc Trăng Cà Mau An Giang Đồng Tháp
Ghe thương hồ ta không vẽ mắt
Tới đây cắm sào ta ngủ qua đêm


Cây trái rộn ràng từ vườn nhà em
Gọi ta dậy từ nửa đêm về sáng
Cắm cây sào tre bẹo hình bẹo dạng
Xôn xao xuồng ghe họp chợ chòng chành


Có những chàng trai cô gái thị thành
Làm khách giang hồ đi chơi chợ nổi
Cặp mạn thương hồ tự dưng bối rối
Mua trái sầu riêng mà lòng sầu chung


Đành giã từ nhau chợ nổi Cái Răng
Cô Sáu cười nụ đồng tiền lúng liếng
Anh Bảy dùng dằng cưa li rượu đế
Giá mà ta treo bẹo được lòng nhau








_

Ba trong một


Ba trong một
Sơn dầu
Triển lãm Mỹ thuật Sóc Trăng lần thứ nhất


Xem thêm:
Huỳnh Khắc Thảo
Những gì có lợi cho dân ta
Reehu

_

Thứ Năm, 25 tháng 10, 2007

kiki rice


Mời xem nhé và đừng để chết vì thèm (nói như một comment đã thốt khi vào blog kiki rice)!

Canh bí đao nhồi


Canh chua đậu hũ hẹ nấu tôm

Bún gỏi và (dà)

Rau bí xào tỏi

Gà rôi ti nước dừa

Cá nướng da giòn

Cá bống kho tiêu

Khổ qua xào tôm

Bông hẹ xào tôm

Dồi nếp


Móng heo phá lấu

Măng nhồi thịt


Ực! Những món ăn rất Việt như thế được nấu tại… Mỹ do Trần Mỹ Hạnh, một nữ kế toán viên người Việt tại Dallas, Texas (cũng là một nhà lữ hành, một nhiếp ảnh gia và (tất nhiên là) một blogger) chỉ dẫn.

Không cần nói gì nhiều vì chính blog kiki rice đã tự nói rất tốt: mỗi món ăn là một tác phẩm nghệ thuật mà chỉ nhìn thôi là thấy cả một tấm lòng. Qua email, Mỹ Hạnh bày tỏ: "Kiki rice ghi chép lại những món ăn Việt đơn giản hàng ngày trong gia đình chúng tôi nhằm góp phần nho nhỏ giới thiệu đến bạn bè thế giới và một phần chia sẻ, giúp đỡ các bạn trẻ muốn tự nấu các món ăn gia đình.

Tôi ước mơ có dịp được đi khắp mọi miền đất nước và thử các món ăn đặc sản của mọi vùng. Sở thích của tôi là được đi đây đi đó (đã đi gần 40 nước trên thế giới) và nấu ăn".


Một kiểu têm trầu


Mblog
_______

Blog kiki rice: http://kikirice.blogspot.com


Đi tìm dấu tích Cung điện Đan Dương


Chỉ với 150.000 đồng, cuốn sách 416 trang này sẽ giúp cho câu chuyện của hướng dẫn viên du lịch thêm phần sinh động, mới mẻ qua các phát hiện của Nguyễn Đắc Xuân khi đưa khách đến Thùa Thiên - Huế.



Làm dân nước Việt không ai không tự hào Việt Nam có Hoàng đế anh hùng Quang Trung. Thế nhưng lăng mộ của ông đã bị nhà Nguyễn “tận pháp trừng trị”, xoá bỏ hết dấu tích trên thực địa và trong sử sách từ hồi đầu thế kỷ XIX. Dân chúng bị cấm nhắc đến. Bởi thế từ mấy thế kỷ qua không một ai còn biết nơi ông đã được táng ở đâu. Nặng lòng với ý tưởng “Sống cái nhà, già cái mồ”, người dân Việt ước mong làm sao tìm cho được dấu tích lăng mộ vua Quang Trung để hằng năm đến thắp cho ông một nén hương. Từ sau khi nhà Nguyễn - kẻ thù của Phong trào Tây Sơn, suy tàn (cuối nửa đầu thế kỷ XX), nhiều nhà sử học trong và ngoài nước mới dám bỏ công đi tìm. Nhưng vì tài liệu lịch sử đã bị nhà Nguyễn hủy diệt, mọi dấu tích trên thực địa liên hệ đến Phong trào Tây Sơn nói chung và Quang Trung nói riêng đều bị thay đổi, bị che giấu, bị khoá chặt nên các nhà sử học phải bó tay. May sao, tôi không xuất thân là nhà sử học, tôi chỉ là một người nghiên cứu Huế. Để phục vụ nghiên cứu Huế, ngoài tài liệu lịch sử tôi còn sưu tập được nhiều tài liệu địa lý lịch sử, văn học cổ, ngôn ngữ dân gian, thảo mộc học, khảo cổ học, Dịch học v.v.có liên quan đến lịch sử văn hoá Huế. Những thông tin liên quan trực tiếp và gián tiếp đến lăng mộ vua Quang Trung trong các tư liệu ngoài sử học mà nhà Nguyễn không thể xoá hết đã giúp tôi phục hồi lại được những chỗ bị che giấu trong tài liệu lịch sử, chú giải được những bí ẩn trên thực địa để cuối cùng có thể khẳng định được Cung điện Đan Dương - lăng mộ vua Quang Trung đã từng toạ lạc trên ấp Bình An thuộc phường Trường An Thành phố Huế ngày nay. Công trình nghiên cứu của tôi kéo dài trên hai mươi năm, căn cứ trên hàng trăm tài liệu khác nhau, với hàng năm điền dã, nhiều lúc gặp khó khăn đến ngộp thở, kết quả được in thành một cuốn sách dày 416 trang, khổ 16 x 24... Bây giờ những bí ẩn, khó khăn, lắc léo liên quan đến lăng mộ vua Quang Trung đã được giải mã. Sự kiện lịch sử nầy đã trở nên thật đơn giản. Độc giả có thể hiểu nó một cách dễ dàng qua bản tóm tắt sau đây:

Như lịch sử đã ghi, chúa Nguyễn Hoàng vào Nam năm 1558, đến năm 1601, ông cho xây chùa Thiên Mụ bên bờ bắc sông Hương. Nhưng mãi đến năm 1635, người cháu nội của ông là Chúa Thượng Nguyễn Phúc Lan (1635-1648) mới xây dựng Thủ phủ của xứ Đàng Trong ở Kim Long, phía dưới Thiên Mụ chừng vài cây số. Đóng Phủ tại Kim Long các chúa nhận thấy địa thế ở đây hết sức xinh đẹp, thuận lợi trong việc luyện tập thủy quân, tiện đường ra Bắc-vào Nam. Chỉ có một điều bất tiện là “trời hành cơn lụt mỗi năm” khiến cho Phủ chúa nhiều khi bị nước lũ đe dọa đến tính mạng. Khắc phục điều bất tiện ấy, vào năm 1680, chúa Hiền Vương Nguyễn Phúc Tần (1648-1687) cho xây dựng một hành cung tại một địa điểm kín gió, cao ráo, có đủ các yếu tố cát địa trên gò Dương Xuân bên bờ nam sông Hương. Hành cung được đặt tên là Phủ Dương Xuân. Từ đó, vào bốn tháng mưa gió, bão lụt cuối năm, các chúa đều lên ngự ở đó. Trải qua thời gian, Phủ Dương Xuân không ngừng được trùng tu, mở rộng mang tính lịch sử. Dưới thời chúa Minh Vương Nguyễn Phúc Chu (1691-1725), chúa sùng đạo Phật nên cho lập thêm một ngôi chùa nhỏ ở gần Phủ mà về sau có tên là chùa Thiền Lâm. Năm 1695, Chúa mời Hoà thượng Thích Đại Sán từ Trung Quốc sang hoằng dương đạo Phật. Hoà thượng làm quốc khách nên được trú tại chùa Thiền Lâm ở gần Phủ chúa ở Dương Xuân. Chùa Thiền Lâm bỗng nhiên được nâng cấp trở thành một ngôi đại tự để phục vụ cho đông đảo tăng khách và Phật tử các nơi đến thọ giới. Vào năm 1700, Phủ Dương Xuân được đại trùng tu. Trong khi đào đất sửa Phủ, lính thợ của cơ Tả thủy bắt gặp một cái ấn khắc bốn chữ “Trấn Lỗ Tướng Quân”, chúa mừng cho đây là một điềm lành nên đổi tên Phủ thành Phủ Ấn. Tuy vậy, dân chúng đã quen gọi tên cũ nên Phủ vẫn mang tên Dương Xuân. Đến đời chúa Võ Vương Nguyễn Phúc Hoạt (1738-1765), chúa xây dựng Đô thành Phú Xuân, xây dựng nhiều cung điện khác như điện Trường Lạc, hiên Duyệt Võ trên cánh đồng Bầu Vá bên bờ nam thượng lưu sông Hương, và nâng cấp Phủ Dương Xuân thành một cung phủ nguy nga tráng lệ. Vào mùa đông năm 1749, chúa Võ Vương đã tiếp nhà buôn Pháp nổi tiếng Pierre Poivre ở đây. Lần đầu tiên một cung phủ của các chúa Nguyễn được ghi chép, mô tả tỉ mỉ trong Kỷ hành (Voyage) của một người phương Tây. Đến năm 1774, Thuận Hoá - Phú Xuân dưới thời Định Vương Nguyễn Phúc Thuần (1765-1777) lọt vào tay quân Trịnh. Nhiều cung phủ ở hai bên bờ sông Hương bị quân Trịnh phá dỡ để lấy gỗ làm củi đốt. May sao, riêng Phủ Dương Xuân là nơi tạm trú của quan quân chúa Trịnh nên chưa bị phá. Năm 1774, Lê Quý Đôn được chúa Trịnh cử vào làm Hiệp trấn Thuận Hóa, ông đã kịp thời ngăn chặn được các cuộc phá hoại. Phủ Dương Xuân thoát khỏi sự đe dọa của ngọn lửa vô minh. Năm 1786, Nguyễn Huệ từ Qui Nhơn thúc quân Tây Sơn ra giải phóng Phú Xuân. Chỉ qua một đêm hàng vạn quân Trịnh trong và ngoài Đô thành Phú Xuân bị tiêu diệt. Thây chất thành đống. Nguyễn Huệ lên lập hành dinh ở Phủ Dương Xuân. Nơi đây tránh được sự ô nhiễm của xác chết, có độ cao lý tưởng, lại gần đường thượng đạo ra Bắc vào Nam, thích hợp với đội quân phần đông là người sơn cước và đàn voi chiến của người anh hùng áo vải cờ đào. Chưa kịp thu dọn tàn dư cuộc chiến và ổn định tình hình ở Đô thành Phú Xuân, Nguyễn Huệ -theo sự tham mưu của Nguyễn Hữu Chỉnh - tiếp tục thúc quân ra Thăng Long thực hiện việc “Phù Lê diệt Trịnh”. Hoàn thành được nhiệm vụ lịch sử, Nguyễn Huệ dẫn quân trở lại Phú Xuân mang theo nhiều vàng bạc châu báu của Bắc Hà và công chúa Lê Ngọc Hân. Để cất giữ của cải mới chiếm được, Nguyễn Huệ cho xây chung quanh Phủ Dương Xuân một bức thành cao trên 6m. Ông ở trong Phủ Dương Xuân với bà vợ chính họ Phạm, còn công chúa Ngọc Hân ông bố trí trú trong chùa Kim Tiên ở chếch về phía tây bờ nam con suối chảy trước Phủ. Con suối soi bóng chùa Kim Tiên nên dân gian gọi là Suối Tiên. Công chúa lưu trú trong chùa Kim Tiên nên cũng có một biệt hiệu là “bà chúa Tiên”. Nguyễn Huệ cho đại trùng tu Phủ Dương Xuân. Đến cuối năm 1788, ông lên ngôi Hoàng đế lấy niên hiệu là Quang Trung, công chúa Ngọc Hân được phong Bắc cung Hoàng hậu, Phủ Dương Xuân được xây dựng lại và được đặt tên là Cung điện Đan Dương. Các quan văn võ Trần Văn Kỷ, Ngô Thì Nhậm, Phan Huy Ích, Ngô Văn Sở, Võ Văn Dũng, Trần Quang Diệu, Bùi Thị Xuân, Lê Chất...đã nhiều lần đến chầu vua Quang Trung ở Cung điện Đan Dương. Theo tập quán phương Đông, một ông vua lên ngôi xong là tính đến chuyện xây lăng mộ (Tức vị trị quan). Vua Quang Trung không có ý định đóng đô ở Phú Xuân nên chưa tính đến việc xây lăng mộ ở đây, ông cho xây gấp Phượng hoàng Trung đô ở quê gốc Nghệ An của ông.

Từ cuối năm 1790 trở đi, nhiều sự kiện lịch sử xảy ra liên tiếp làm cho vua Quang Trung phải căng sức đối phó: Cuối năm 1790, vua Quang Trung đòi nhà Thanh phải trả lại đất 6 châu thuộc Hưng Hóa đã bị nhà Thanh chiếm. Nhà Thanh lấy cớ là cương giới đã xác định nên không trả. Vua Quang Trung quyết tâm củng cố quân đội và thực lực trong nước để đòi cho kỳ được phần đất đã mất. Tháng 6 năm Nhâm Tý (1792), vua Quang Trung đã cử Võ Văn Dũng dẫn đầu một sứ đoàn sang Trung Quốc để cầu hôn và đòi đất. Giữa hai thời điểm ấy, lại còn xảy ra nhiều sự kiện đau đớn: năm 1791, bà chính hậu họ Phạm - người được vua Quang Trung sủng ái nhất, qua đời. Sự kiện này làm cho vua Quang Trung “đau đớn đến phát điên”. Anh ông là Nguyễn Nhạc tưởng ông chết bèn dẫn một đoàn quân trực chỉ ra Thuận Hoá để “tiếp thu Phú Xuân”. Không ngờ, khi ra gần đến An Cựu, Nguyễn Nhạc mới biết mình nhầm và quay đầu trở lại. Sự kiện đó chứng tỏ mâu thuẫn nội bộ trong Phong trào Tây Sơn đã lên đến đỉnh điểm. Nguyễn Vương ở Gia Định nắm được thời cơ, đích thân dẫn 128 chiến thuyền bất ngờ tiến công lực lượng thủy quân hùng mạnh của Nguyễn Nhạc ở cửa biển Thi Nại (Quy Nhơn). Toàn bộ ghe và khí giới của Nhạc bị đốt cháy, bị phá hủy hoặc bị cướp đi... Đối phó với tình hình chính trị quá căng thẳng, vua Quang Trung ngã bệnh. Vào ngày 29 tháng 7 năm Nhâm Tý (tức 16-9-1792) vua băng. Để giữ kín sự kiện nầy với những lực lượng thù địch như ở phía bắc với Trung quốc, phía nam với Nguyễn Vương, trong nội bộ với Nguyễn Nhạc và với cả các Thừa sai Thiên Chúa giáo ở phường Đúc chỉ cách Cung điện Đan Dương vài cây số, triều Quang Toản đã quyết định bí mật táng vua Quang Trung ngay trong khuôn viên Cung điện Đan Dương. Từ đó Cung điện Đan Dương trở thành Lăng Đan Dương của vua Quang Trung như Ngô Thì Nhậm nhiều lần nhắc đến. Vua Quang Toản lên ngôi mới ở tuổi lên mười, mọi quyền hành đều nằm trong tay cậu của vua là Bùi Đắc Tuyên. Quang Toản được ngồi trong thành Phú Xuân bên bờ bắc sông Hương, Bùi Đắc Tuyên với chức Thái sư chiếm chùa Thiền Lâm bên cạnh Lăng Đan Dương làm dinh phủ. Phan Huy Ích, Ngô Thì Nhậm phải làm việc với Bùi Đắc Tuyên trong ngôi chùa lịch sử nầy. Đến năm 1795, Bùi Đắc Tuyên bị đảo chính bắt dìm nước chết, một số tướng lãnh như Ngô Văn Sở, Lê Chất quay theo Nguyễn Vương. Những bí mật chung quanh lăng Đan Dương không còn giữ được nữa. Đến năm 1799, Bắc cung Hoàng hậu Lê Ngọc Hân qua đời, theo nguyện vọng của bà, triều Quang Toản cho táng bà bên cạnh lăng Đan Dương. Nhưng sau đó, Đô đốc Hài đã bí mật kịp đưa hài cốt của bà về chôn ở làng Nành Bắc Ninh dưới danh nghĩa một người bình dân. Cuối năm 1801, Nguyễn Vương về lại Phú Xuân, vì “chín đời mà trả thù”, Vương cho quật phá Lăng Đan Dương, “bổ săng, bêu đầu ở chợ”. Năm 1802, Nguyễn Vương lên ngôi lấy niên hiệu Gia Long, ông và các đời vua con cháu ông đã “tận pháp trừng trị” nhà Tây Sơn bằng nhiều biện pháp: 1. Giết hết bà con dòng họ của anh em nhà Nguyễn Tây Sơn, 2. Đập phá chôn sâu dưới đất tất cả những vật liệu liên quan đến Cung điện Đan Dương; 3. Cấm ngặt dân chúng không được lai vãng đến vùng cấm địa nầy; 4. Đổi tên vùng Long Sơn Lâm Lộc thuộc xã Dương Xuân có Lăng Đan Dương thành ấp Bình An thuộc xã Phú Xuân; 5. Xoá hết văn bia chùa Thiền Lâm và viết Đại Nam nhất thống chí đổi địa chỉ chùa Thiền Lâm ở ấp Bình An xã Phú Xuân chuyển qua xã An Cựu; 6. Quật mã Công chúa Ngọc Hân ở làng Nành vất xuống sông; 7.Phủ Dương Xuân của các chúa Nguyễn đã trở thành Cung điện Đan Dương - Lăng Đan Dương, Lăng Đan Dương của vua Quang Trung đã bị đập phá chôn sâu dưới đất, trong Đại Nam nhất thống chí nhà Nguyễn phải lập lờ viết rằng, nơi xây dựng Phủ Dương Xuân đã mất tích vì “binh loạn” với Tây Sơn nên “không biết ở đâu” (Tự kinh binh loạn kim thất kỳ xứ).

Qua “kho” tư liệu Huế học của tôi, văn thơ Ngô Thì Nhậm - Phan Huy Ích cho tôi biết lăng mộ vua Quang Trung trong Cung điện Đan Dương và ở gần chùa Thiền Lâm, bản sách địa lý lịch sử Đại Nam nhất thống chí soạn thảo dưới thời Tự Đức và bản khắc in dưới thời Duy Tân có một độ lệch cho tôi biết địa chỉ chùa Thiền Lâm ở ấp Bình An đã bị “ghi nhầm” qua xã An Cựu, bút ký Kỷ hành của nhà buôn Pháp Pierre Poivre cho tôi biết vị trí và địa thế của Phủ Dương Xuân mà nhà Nguyễn đã ghi là “mất tích”.v.v. Những thông tin ấy tập trung vào khu vực bốn chùa Thiền Lâm - Vạn Phước - Diệu Đức và Kim Tiên ngày nay. Bí ẩn của hàng trăm viên đá táng, đá tảng, đá tấm, đá khối, đá viên đủ cỡ phát hiện trong khu vực nầy, (đặc biệt dưới lòng đất nền chùa Thiền Lâm), từ đầu thế kỷ XX đến nay bỗng được chú ý đến nguồn gốc của chúng. Trong khu vực nầy lại có nhiều giếng cổ mang tên “giếng loạn”, nhiều gốc hoa đại cổ thụ chứng tỏ khu vực nầy đã từng là một vùng cung điện có liên hệ đến Tây Sơn (loạn), đã từng có hàng trăm người ở. Về phong thủy, vị trí trung tâm khu vực ấy có một dòng nước chảy từ trái sang phải, có đủ yếu tố “cát địa” tả Thanh long, hữu Bạch hổ, tiền án, hậu chẩm đầy đủ. Hiếm có một nơi nào gần bờ sông Hương có vị trí tốt và đẹp đến như vậy. Tôi có thể khẳng định đã tìm được dấu tích Cung điện Đan Dương - Sơn lăng của vua Quang Trung - hậu thân của Phủ Dương Xuân.

Tìm được dấu tích của Cung điện Đan Dương, giải mã được nhiều bí ẩn trong lịch sử, trong văn học cổ, trong văn học dân gian, trong lịch sử chùa Thiền Lâm v.v... và đặc biệt giải mã được một bí ẩn hàng đầu của lịch sử dân tộc: Lăng mộ vua Quang Trung ở đâu?

Huế, tháng 10-2007

Nguyễn Đắc Xuân

_____

Đặt mua sách tại: 9/1 Nguyễn Công Trứ, thành phố Huế (giá bìa bao gồm cước bưu điện)

ĐT: 054.823009 - DĐ: 0914.20.39.44 - E-mail: gactholoc@yahoo.com

Số tài khoản: 016 100 0137 476 - Ngân hàng Vietcombank, chủ tài khoản: Nguyễn Đắc Xuân

Thứ Tư, 24 tháng 10, 2007

Doanh nghiệp (rất) nhỏ dùng email?

METINFO tiếp tục nhận được email từ những khách hàng mới đây thôi… chưa biết bật máy tính chỗ nào. Mà đa số là phó mặc cho nhân viên hoặc người quen. Không quá khó khăn, các bạn chỉ cần dành một chút thời gian và để ý một chút thôi vì có những giao dịch phải tự mình thực hiện, không giao cho người khác được, càng không thể nhờ… “ngoài đường” giúp đỡ.


Email là lựa chọn tốt nhất nếu bạn xác định khách hàng của bạn cũng dùng email, dù chỉ một người. Vì bạn chẳng tốn kém gì cả khi máy tính và internet đã trở thành một phương tiện thông thường cho cuộc sống và cho kinh doanh, email chỉ là một bổ sung không tốn phí.

Trong bài viết “Địa chỉ email của tôi có đáng tin? Mblog đã nói về “hình thức” của địa chỉ email doanh nghiệp. “Hình thức” này cũng cần xem xét thêm khi doanh nghiệp có từ 2 người dùng email trở lên. Trước hết là phải cùng địa chỉ, cùng một nơi quản lý địa chỉ email. Ví dụ: giamdoc@doanhnghiepz.vn, bophanbanhang@doanhnghiepz.vn... Bên cạnh tạo cảm giác về một tổ chức, vị thế hình ảnh doanh nghiệp tăng lên còn có một ý nghĩa khác quan trọng hơn: giám sát và quản lý các mối giao dịch trong phạm vi doanh nghiệp qua email. Hãy thử nghĩ đến một nhân sự ở vị trí nhạy cảm, cần bảo mật… khi chia tay cũng mang theo các quyền truy cập email mà doanh nghiệp không quản lý được?

Một tập quán sử dụng email trong doanh nghiệp cần xây dựng cụ thể: ai có quyền quản lý địa chỉ email nào, toàn bộ quyền truy cập do ai quản lý. Thủ tục bàn giao quyền truy cập và đổi mật khẩu là một trong các bước phải làm ngay khi có trường hợp chấm dứt hợp đồng lao động hoặc thay đổi vị trì công việc nếu cần.

Không phải chủ doanh nghiệp nào cũng am hiểu chuyện kỹ thuật hoặc hứng thú với chuyện “rối rắm” này. Có một cách đơn giản và hiệu quả: gặp chuyên gia. Nếu doanh nghiệp không có bộ phận chuyên nghiệp về công nghệ thông tin thì tìm gặp một chuyên gia là không quá khó khăn. Hãy nói ra điều bạn cần và đề nghị được giải thích cặn kẽ. Chuyên gia giỏi thường là người có khả năng giải thích dễ hiểu, thấu đáo.

Lưu trữ cẩn thận email cũng là một yêu cầu đối với doanh nghiệp vì tuy chưa có luật chính thức về thương mại điện tử nhưng email vẫn được xem như chứng từ pháp lý cần thiết.

Hãy ra một cửa hàng internet, bày tỏ thực với chủ cửa hàng về việc muốn biết cách sử dụng email. Chỉ vài buổi là bạn sẽ thấy chẳng có gì khó khăn cũng như ít tốn kém hơn bạn nghĩ nhiều lắm. Bình tĩnh nhé, đừng bỏ lỡ phương tiện giao dịch đang ngày càng đắc dụng này!


Mblog

Thứ Ba, 23 tháng 10, 2007

Khổ qua rừng

Ai cũng biết khổ qua nguyên trái hầm thịt nạc bằm hoặc cá thác lác quết nước muối, khổ qua xắt lát xào thịt bò, khổ qua xắt lát ướp lạnh ăn với thịt chà bông (thường được gọi một cách “văn vẻ” là “da cá sấu, chỉ xơ dừa”)…, là những thức ăn vừa ngon vừa bổ dưỡng. Dù phối hợp chung với nguyên liệu nào, người ta vẫn lấy khổ qua làm “đơn vị chuẩn”, vì các món ăn này ngon đều nhờ hương, nhất là vị đắng của khổ qua. Tất cả các món trên đều được thực hiện bằng những trái khổ qua to lớn thường bày bán ở các chợ ở Nam bộ.

Nhưng còn một thứ khổ qua trái “bự” và “dài” cỡ ngón tay cái người lớn. Theo những người dân miền đất đỏ miệt Bình Long (và cả một số địa phương miền Đông Nam Bộ), đó là khổ qua rừng. Tất nhiên khổ qua này mọc hoang trong những cánh rừng và là thủy tổ của khổ qua nhà. Theo một tư liệu, tên Latin của khổ qua rừng là Mornordica Charatia. Khổ qua rừng được người dân sơn tràng khai thác làm nguyên liệu cho bữa cơm gia đình của họ. Và bây giờ, cũng giống những thứ “bỏ đi” của nhiều vùng đất khác trong cả nước, khổ qua rừng đã “rửa cẳng” leo lên “ngồi” “chễm chệ” trên bàn tiệc nhà hàng sang trọng ở thị trấn Bình Long. Bình Long xưa kia vốn là thị xã An Lộc, nên là một thị trấn khá bề thế so với nhiều thị trấn khác của nước ta. Giống như Đà Lạt, đi vòng vèo các con đường ở thị trấn này khá mỏi chân vì lên và xuống dốc. Chính vì vậy mà khi ngồi vào bàn ăn, thưởng thức hương vị các món ăn có xuất xứ từ núi rừng mới thấy đã cái dạ dầy. Măng le ê hề. Gà rẫy, được nuôi thả ở các buôn làng, nhỏ con nhưng chất lượng hơn hẳn gà vườn. Cá lăng đen đã ngon, cá lăng trắng là một loại thực phẩm cao cấp. Trái vả dân dã, chỉ cần gọt bỏ vỏ xắt lát chấm mắm tôm là đã có bữa cơm đậm đà khẩu vị. Ngộ nhất là trái vả (thứ trái hầu như “độc quyền” của xứ Huế) không có mùi vị gì, vậy mà “đi” với bất cứ thức chấm nào, nhất là kho với thịt hoặc cá nhiều lửa, cũng đều cho người ta cảm giác ngon miệng. Nhưng, nói gì thì nói, trái khổ qua rừng mới là thứ “ngộ” nhất...

Khổ qua rừng là loại dây leo hoang dã chỉ phát triển tự nhiên trong mùa mưa. Cũng giống như khổ qua vườn, khổ qua rừng được xào trứng, xào thịt bò,. Thịt bò ở Bình Long là “đặc sản”, hình như cũng là một “thương hiệu” của xứ này. Vì “nhỏ con” nên khổ qua chỉ cần cắt làm hai, móc bỏ ruột, rửa sạch là đã có thể cho vào chảo mỡ xào chung với thịt bò xắt miếng vừa ăn. Thêm mắm muối, gia vị, hành lá xắt khúc là đã có một dĩa ngon lành. Chấm với nước tương ngon, khổ qua xào thịt bò khiến dĩa cơm nhà hàng nhanh chóng “biến mất”. Khổ qua rừng còn được trộn với thịt bò, chút hành tím, nước mắm giấm đường ớt, chút tiêu bột, thành món gỏi hấp dẫn. Người ta cũng biến khổ qua rừng thành món ăn chay ngon và lạ miệng. Cùng với mì căng xé miếng, tàu hủ trắng xắt làm tư, dưa cải xắt khúc, đậu phộng luộc bóc bỏ vỏ, đậu que tước bỏ chỉ cắt đôi (hoặc những thực phẩm thực vật nào khác cảm thấy thích), cùng với khổ qua rừng bổ đôi bỏ ruột kho với nước tương ngon, rắc tiêu bột là xong. Tuy là món ăn “hổ lốn” nhưng lại là món ngon và bổ vì thực khách được thưởng thức đủ mùi vị của các thứ rau củ trái, mà điểm nhấn là lâu lâu “nghe” vị đắng của khổ qua rừng “ngân” trên mặt lưỡi, một hồi trở thành ngọt ngào đến “tương tư”! Nhưng, người ta còn sử dụng cả đọt và bông khổ qua rừng thành những món luộc đơn giản hoặc xào, trở thành món ăn dân dã ngon miệng.


Bài và ảnh: PHƯƠNG KIỀU

Thứ Hai, 22 tháng 10, 2007

Địa chỉ email của tôi có đáng tin?


Đa số khách hàng của METINFO là doanh nghiệp nhỏ, gần đây bắt đầu quen dần với việc dùng thư điện tử (email). Dấu hiệu tốt này cũng phát sinh một số điều cần bàn khi sử dụng email cho doanh nghiệp.

Việc đăng ký dễ dàng và miễn phí hiện nay làm bùng nổ nhu cầu giao dịch qua email. Vấn đề sẽ bình thường cho đến khi bạn dùng địa chỉ email cho những giao dịch liên quan đến pháp lý hoặc các giao dịch mà sự tin cậy là đòi hỏi hàng đầu. Đa số địa chỉ email miễn phí cho phép đăng ký nặc danh. Trời cũng không biết sau một địa chỉ email (nặc danh) là ai nếu người ta không biết nhau từ trước. Thành thử ấn tượng tin cậy ban đầu về một địa chỉ email là rất quan trọng cho các giao dịch đặc biệt kể trên nếu hai bên chưa biết nhau.

Có hai loại địa chỉ email đáng tin cậy: địa chỉ đăng ký có ghi danh và địa chỉ email của doanh nghiệp (ít nhất là về mặt lý thuyết). Bởi để có địa chỉ này người ta phải khai báo thông tin cá nhân có thể xác minh được. Các địa chỉ email có phần mở rộng (đuôi) là xyz@*.vnn.vnxyz@tên_doanh_nghiệp.vn (com, net, info…) thuộc loại này.

Thế thì phải làm sao đây nếu không thể đăng ký địa chỉ email như trên hoặc địa chỉ đang dùng đã quá phổ biến? Bạn hãy khai báo vào hồ sơ (profile) thông tin cụ thể và (vẫn là) xác minh được! Thử nghĩ bạn sẽ nghĩ gì khi nhận một email chào hàng mà không hiểu người gởi là ai, ở đâu vì tên họ là zyx12345@yahoo.com! Tìm đến hồ sơ của họ thì trống rỗng hoặc rất kỳ cục?

Nên đăng ký ở đâu? Một người, một tổ chức… thường có nhiều địa chỉ email khác nhau cho những giao dịch khác nhau, thậm chí có những địa chỉ email ảo thực sự cho phép người ta chỉ sử dụng trong vài giờ, vài ngày rồi tự động xóa. Các dịch vụ email của Google, Yahoo!, Hotmail… là phổ biến nhất. Google Apps cho phép mở văn phòng ảo miễn phí (nhưng nếu bạn chấp nhận trả phí thì không chê vào đâu được, $50USD/năm/tài khoản).

Sau khi có một địa chỉ email, bạn nên dành một chút thời gian để dạo một vòng xem thử từng tính năng và chỉ dẫn. Bạn sẽ thấy địa chỉ email của bạn không còn là một phương tiện giao dịch thông thường mà đã trở thành một hộ chiếu (passport) vào thế giới trực tuyến. Đừng quên kiểm tra email thường xuyên! Có khi mấy tháng trời không có email nào, cũng có khi một email nào đó bị bỏ quên. Khi bạn chưa tạo cho chính mình thói quen khai thác internet, gởi email thì cũng khó nhận được của người khác.

Cuối cùng là tập sống chung với… spam! Bạn biết chữ này không?

Thứ Bảy, 20 tháng 10, 2007

Trách nhiệm doanh nhân

Bài viết dưới đây của nhà báo Hồ Hùng đã đăng tải trên Thời báo Kinh tế Sài Gòn số: 43-2007 (879) - Ngày: 18-10-2007.

Mblog đăng lại như là ý kiến đầu tiên theo gợi ý của ông Võ Hùng Dũng, giám đốc VCCI Cần Thơ nhằm tiếp tục cuộc thảo luận về TÂM, TÀI, TRÍ, DŨNG của doanh nhân mà buổi tọa đàm với nhà sử học Dương Trung Quốc đã mở đầu.
Kính mong được sự hưởng ứng của doanh nhân đồng bằng và những người quan tâm đến một tầng lớp vừa được thừa nhận chưa lâu, đang tiến vào giai đoạn xây dựng ”một đội ngũ, một tầm nhìn”.



Hồ Hùng

Tuần rồi, nhân Ngày Doanh nhân Việt Nam 13-10, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chi nhánh Cần Thơ đã tổ chức buổi tọa đàm bàn về bốn chữ “tâm, tài, trí, dũng” của doanh nhân thời nay. Tại buổi tọa đàm, nhà sử học Dương Trung Quốc cho rằng: “Tâm, tài, trí, dũng đã đúc kết trong đời sống phát triển của Việt Nam, chứ không phải của riêng giới doanh nhân. Đó là phẩm chất chung của dân tộc, tạo nên những đóng góp lịch sử. Còn doanh nhân? Trước khi là doanh nhân, họ đã là công dân Việt Nam. Và khi trở thành doanh nhân, thời nay họ sẽ là lực lượng phải thể hiện những điều đó trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước”.

VCCI Cần Thơ trao giải Doanh nhân tiêu biểu năm 2007
khu vực địa phương nhân ngày Doanh nhân Việt Nam

Bà Phạm Thị Việt Nga – Tổng giám đốc
Công ty cổ phần Dược Hậu Giang đang phát biểu

Doanh nhân không thể thiếu bốn yếu tố tâm, tài, trí, dũng, bởi nó quyết định nhiều đến khả năng lãnh đạo, sự thành bại trong kinh doanh. Không tài, thiếu trí thì đừng nghĩ đến chuyện lèo lái doanh nghiệp. Còn có tài, có trí, có tâm nhưng không có “dũng” thì làm sao dám quyết định, dám làm những chuyện dù mạo hiểm nhưng có thể mang về thành công rực rỡ. Nhưng nếu một doanh nhân hội đủ cả ba yếu tố tài, trí, dũng mà thiếu cái tâm thì rất dễ rơi vào cảnh cạnh tranh, làm ăn bất chính.

Rất khó để có một định nghĩa đầy đủ về chữ tâm, bởi nó bao hàm cả những quy chuẩn về đạo đức kinh doanh, về lối sống, nếp nghĩ, cách làm việc... “Thấy nhân viên mình ngày càng có thu nhập cao, đi xe tốt nhiều, mình thấy vui, cũng là thể hiện cái tâm”, bà Phạm Thị Việt Nga, Giám đốc Công ty cổ phần Dược Hậu Giang, ví von. Hay một doanh nghiệp làm tốt vấn đề xử lý nước thải, khói thải... để không gây ảnh hưởng đến cộng đồng, đó cũng là thể hiện cái tâm. Nói nôm na như ông Hồ Trọng Khải, Giám đốc bán hàng khu vực ĐBSCL của PepsiCo: “Tâm là mong muốn hướng thiện, luôn hướng về số đông chứ không nghĩ riêng cho cá nhân mình”.

Sự cố tại công trình cầu Cần Thơ vừa qua, cũng cho thấy nhiều doanh nghiệp đã thể hiện rõ cái tâm. Chỉ hơn một giờ sau khi những khối bê tông đổ ập xuống, nhiều thành viên của Công ty cổ phần Dược Hậu Giang đã có mặt, sẵn sàng hiến máu cứu người... Rồi những ngày sau đó, danh sách các doanh nghiệp hỗ trợ tiền, quà cho gia đình các nạn nhận cứ ngày một dài thêm ra. Nhiều doanh nghiệp đóng góp một cách tự nguyện chứ không cần ai kêu gọi!

Nhưng cũng từ sự cố sập nhịp dẫn cầu Cần Thơ, chuyện một số công nhân tham gia thi công không được mua bảo hiểm... cũng được phát hiện. Rồi chuyện nhiều doanh nghiệp vô tư xả nước thải chưa qua xử lý ra sông... gây ô nhiễm nghiêm trọng hay chuyện các doanh nghiệp bắt tay nhau nâng giá sản phẩm, bắt chẹt khách hàng... Tất cả phải chăng là do doanh nhân thiếu cái tâm?

Cái tâm của doanh nhân không chỉ cần được thể hiện với doanh nghiệp, với công nhân hoặc khách hàng của mình, mà còn phải thể hiện cả với cộng đồng và xã hội. Doanh nghiệp kinh doanh lúa gạo không thể cứ tích trữ cho đầy kho rồi mong chờ khi thiên tai, mất mùa xảy ra để tung ra bán giá cao làm giàu, nhân viên mình rủng rỉnh túi... mà còn phải nghĩ đến hàng triệu nông dân dãi nắng dầm sương.

Tuy nhiên, một doanh nhân có tâm, muốn làm “người tốt”, trong nhiều trường hợp cũng không phải dễ. Theo ông Khải: “Thấy bất công, muốn lên tiếng cũng khó vì sợ bị trả thù, bị trù dập”. Phải chăng vì vậy nên rất hiếm khi doanh nhân đứng ra công khai phản đối một dự án hay công trình nào đó dù biết rằng nó ảnh hưởng đến môi trường, đến người dân.

Trong những trường hợp như vậy, trách nhiệm thuộc về chữ “dũng” của doanh nhân, nhưng nguồn gốc đôi khi lại là do cơ chế với nhiều quyền lực chi phối, làm doanh nhân nản lòng.

Phá rừng, đê bao ngăn dòng chảy... để rồi khi thiên nhiên “nổi giận”, lũ lụt, thiên tai xảy ra, doanh nhân lại hỗ trợ, quyên góp cho người dân. Đừng để xảy ra nghịch lý này, khi thay vì hoan nghênh cái “dũng” ban đầu của họ, chúng ta lại chỉ biết đòi hỏi và cổ vũ cái “tâm” nơi họ.

____

Ảnh: Hồ Hùng

Xem thêm:
Blog của Dương Trung Quốc
Chúng ta còn nhút nhát lắm!

Tải về:
Danh sách doanh nhân tiêu biểu năm 2007
tại đồng bằng sông Cửu Long


Thứ Sáu, 19 tháng 10, 2007

Du lỊch Cần Thơ làm gì để thu hút khách?

“Với tất cả tâm tình mong du lịch Cần Thơ phát triển” Ông Lê Thanh Quý, TGĐ Công ty Liên doanh Sài Gòn – Cần Thơ đã bày tỏ như thế khi gởi đến Mblog bài phát biểu nhân hội thảo có chủ đề “Làm gì để phát triển du lịch Cần Thơ” do Sở DLCTHiệp hội Du lịch Cần Thơ tổ chức hồi tháng 7.2006

Từ lâu, Cần Thơ luôn được xem là thủ phủ của vùng ĐBSCL như tên gọi Tây Đô còn được sử dụng cho đến nay. Không kể đến vị trí trung tâm của Cần Thơ về mặt địa lý, những thuận lợi về thiên nhiên và nhân văn cũng giúp cho vùng đất này trở thành điểm đặc trưng cho cả vùng ĐBSCL khiến cho mọi du khách nếu chưa một lần ghé đến Cần Thơ cũng xem như chưa biết văn hóa miệt vườn của ĐBSCL.


Có một sự liên tưởng khi nhắc đến Cần Thơ người ta nghĩ ngay đến những cánh đồng lúa bát ngát thẳng cánh cò bay, những sông rạch chằng chịt êm đềm trong hai mùa mưa nắng, nhưng hấp dẫn nhất vẫn là tiếng đàn ca tài tử Nam bộ luôn sẵn lòng hào phóng với mọi người thân sơ. Đặc biệt người Cần Thơ nói riêng, người miền Tây nói chung nổi tiếng với lòng hào phóng nhiệt thành giúp đỡ người khác có thể hiểu qua chuyện nếu bạn hỏi đường một người miền Bắc bạn có thể được chỉ đường hoặc không, một người miền Trung sẽ chỉ đường cho bạn nhưng nếu ở miền Tây bạn sẽ được mời vào nhà uống nước hoặc nhậu rồi sẽ đưa bạn tận nơi. Tất cả những yếu tố trên, nhất là con người sẽ giúp rất nhiều cho sự phát triển của du lịch.


Thực trạng của du lịch của chúng ta hiện nay đã không như mong muốn, cũng không tương xứng với tiềm năng phong phú:
Trong nước có nhiều tỉnh thành chưa biết đến Cần Thơ nhất là từ miền Trung trở ra. Có một cô giáo dạy Anh văn cấp 3 ở Đà Nẵng sau khi đến Cần Thơ vì công việc nói rằng cô chưa biết thành phố này lớn và đẹp như vậy, lúc nào trời cũng mát dịu và chợ nổi hấp dẫn với những sinh hoạt thú vị khác lạ.
Ngoài nước hầu như không ai biết Mekong Delta ở đâu nữa chứ chưa nói tới Cần Thơ. Hiện nay chỉ có Pháp biết Cần Thơ nhiều nhất (về du lịch).
Lượng khách du lịch quay lại Cần Thơ rất ít trong nước lẫn quốc tế, số ngày lưu trú cũng thấp nhất cả nước không được hai đêm khiến doanh thu du lịch không cao. Đa số du khách đã quay về với ví tiền nặng trĩu.
Ấn tượng và sự gợi nhớ của vùng đất trù phú không bao nhiêu do sản phẩm và sản vật du lịch không đặc trưng đa phần do tự phát mà có.
Điểm tham quan quá ít để có thể kéo dài thời gian của khách ở lại với mình trong khi nối tua lại mất thời gian quá nhiều để có thể giữ khách lại Cần Thơ.
Không ai trong chúng ta muốn Cần Thơ mất đi sự thu hút với khách cũng chính là sự lãng phí tài nguyên thiên nhiên. Trước hết chúng ta phải đặt mình vào vai du khách rồi lại nhìn lại mình mới mong tìm ra lối thoát.
Đầu tiên, từ Tp HCM du khách mất 4giờ mới đến được bắc Bình Minh (xe trên 30 chỗ không thể chạy nhanh hơn do giới hạn tốc độ). Muốn qua đến Cần Thơ lại chờ phà nhanh nhất cũng gần 1 tiếng nữa, với quãng thời gian đó, du khách hẳn rất mệt mỏi và họ có quyền mơ một chuyến tham quan thú vị cho bõ công khó đường đi.
Nếu đến vào buổi sáng, du khách sẽ tham quan nhà cổ Bình Thủy và vườn cò Bằng Lăng vào buổi chiều. Sẽ rất thú vị khi nhìn thăm vườn cò nhưng trước hết khi đến đó, con đường vào thật nhếch nhác hai bên bờ giảm đi rất nhiều tình cảm trong lòng. Nếu vào buổi chiều, chỉ còn ăn rồi ngủ vì đêm Cần Thơ rất thiếu chỗ giải trí, không có gì vui.

Chợ nổi hiện nay là điểm tham quan chủ lực (và hầu như duy nhất độc đáo) được du khách hài lòng nhất. Tuy nhiên chúng ta không ngăn được tình trạng xả mọi thứ rác xuống sông cũng gây phản cảm nhất là với khách quốc tế. Lâu nay vẫn có tình trạng đáng báo động về an toàn cho du khách. Rất nhiều chiếc tắc ráng từ những bến chui chở khách Tây ba lô tham quan chợ nổi không hề có chiếc áo phao nào cả.


Gần đây ở Cần Thơ xuất hiện nhiều tàu khách cao tốc giống như ở Cà Mau cả về chủng loại lẫn phong cách chạy như bay ngay khu vực đông tàu bè như chợ nổi Cái Răng rất nguy hiểm, lẽ ra phải giảm tốc độ. Sau khi thăm chợ nổi, các vườn trái cây của Cần Thơ hầu hết đều qui mô nhỏ không có nhiều trái cây như danh tiếng của Cần Thơ, chưa đẹp như ý nghĩa của danh từ Miệt Vườn. Đường đến các vườn du lịch chưa đươc chăm sóc chu đáo, tình trạng vệ sinh quá kém tại các điểm du lịch chúng ta khiến du khách ngán ngại. đã có đoàn khách Úc mua tua homestay tại Cần Thơ đã quay về khách sạn thành phố do tình trạng vệ sinh kém như thế hồi năm ngoái (báo Người Lao Động có phản ánh).
Chương trình đàn ca tài tử ấn tượng với du khách nước ngoài lẫn trong nước do các nhạc cụ độc đáo nhưng do việc sử dụng ampli và loa công suất lớn nên làm mất đi âm điệu quyến rũ của đờn ca tài tử, đôi khi còn “tra tấn” du khách không chỉ vì âm thanh lớn mà còn do thời lượng quá dài. Với chúng ta đó là món ăn tinh thần không sao nhưng khách quốc tế lại khác.
Hiện nay cơ sở vật chất của bến tàu du lịch đã được đầu tư tốt nhưng tổ chức và quản lý bến bãi cũng như triển khai các dịch vụ hỗ trợ cho du lịch vẫn cần được phối hợp nhịp nhàng và đa dạng thay vì mạnh ai nấy làm thiếu hiệu quả. Chợ cổ Cần Thơ sau khi tôn tạo rất đẹp dường như vẫn chưa phát huy tác dụng. Tôi ngạc nhiên tại sao chúng ta loay hoay tìm kiếm hình ảnh biểu tượng cho thành phố ở đâu xa sao không lấy chợ cổ của mình rất ấn tượng về kiến trúc lẫn văn hóa đặc trưng trên bến dưới thuyền.

Cái thiếu nhất để có thể phát triển du lịch Tp chúng ta chính là mức độ đầu tư về tài chánh lẫn định hướng. Ngân sách dành cho phát triển du lịch Cần Thơ là bao nhiêu? Chương trình hành động quốc gia về du lịch rót cho Cần Thơ được bao nhiêu so với các địa phương khác? Chính sách ưu đãi đầu tư về du lịch chúng ta đã hợp lý và phổ biến chưa? Ví dụ như khách sạn Sài Gòn - Cần Thơ đã gần 10 năm việc mở rộng vẫn còn là trên lý thuyết dù đã có nhiều thông báo, quyết định của ủy ban tỉnh trước đây và Tp hiện nay đã quyết.
Chúng ta nói mời gọi du khách nhưng có biết nỗi khổ của du khách khi chờ phà trong sự hỗn độn và nhếch nhác chí ít cũng 45 phút/lần đến cũng như đi làm sao khách quay lại được. Rồi tình trạng vệ sinh trên sông và tại các điểm tham quan rất kém khiến du khách khó có thiện cảm. Không có vườn trái cây nào của chúng ta trĩu quả như quảng cáo mà chỉ một vài loại nếu so với Vĩnh Long còn kém xa.
Nhận xét cùa một Phó TGĐ hãng lữ hành LD với nước ngoài lớn tại TP HCM: “Ở ĐBSCL hầu như ở địa phương nào cũng lấy điểm nhấn là đưa du khách xuống tàu, đưa khách đi tham quan trên các sông rạch nhỏ, len lỏi vào các thôn xóm, làng xã, chợ nổi và thăm vườn trái cây. điều đó đã gây cho khách nhàm chán và chắc chắn khó có thể thu hút khách mua tua dài ngày hoặc liên tiếp”.


Lê Thanh Quý

Ảnh: Trương Công Khả,
Lê Thanh Quý
________